06/06/2020, 12:41 4557 lượt xem Tin tức PNJ

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Văn hóa doanh nghiệp chính là nền tảng của sự phát triển bền vững

Là diễn giả đặc biệt trong webinar "Văn hóa doanh nghiệp – Sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng" do Hội Nữ doanh nhân Tp.HCM (Hawee) tổ chức, bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ đã cùng các diễn giả bàn về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong công cuộc vượt khủng hoảng. Chủ tịch PNJ cho rằng “Văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh giúp doanh n¬ghiệp vượt qua khủng hoảng và là nền tảng của sự phát triển bền vững”.

Chia sẻ về câu chuyện PNJ đã quản trị khủng hoảng như thế nào trong đại dịch co-vid 19, bà Dung nhấn mạnh: “Qua thời gian có những thứ sẽ mất đi, nhưng văn hóa chính là thứ còn lại mãi. Tại PNJ, với nền tảng Văn hóa doanh nghiệp vững chắc, chúng tôi đã cùng đoàn kết, sáng tạo để vượt qua khủng hoảng một cách mạnh mẽ nhất”. Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, Bà Cao Thị Ngọc Dung đã hướng việc xây dựng PNJ như xây dựng “một gia đình có văn hóa” với những quy ước làm việc riêng, với tầm nhìn sứ mệnh riêng cùng những hệ giá trị được định hình, phát triển và bồi đắp qua từng cột mốc phát triển. Với bà Dung, văn hóa doanh nghiệp phải bắt đầu từ chính người sáng lập và nó là thứ không rao giảng, là thứ phải lấy ra từ trong tâm của mình.

Webinar do Hawee tổ chức với sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Minh Giang- TGĐ Nhân Tài & Văn hóa Doanh Nghiệp, Mekong Capital cùng hai diễn giả: Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch PNJ và ông Phạm Duy Hiếu - Ủy viên Ủy Ban Nhân sự ABBank

Đồng quan điểm với lãnh đạo PNJ, ông Phạm Duy Hiếu - Ủy viên Ủy Ban Nhân sự ABBank cho rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình lâu dài mà người lãnh đạo phải là người dẫn dắt. Chính người lãnh đạo phải xác định rõ - mình muốn gì, khao khát điều gì, từ đó chọn ra những giá trị văn hóa tiêu biểu để xây dựng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người lãnh đạo cần làm gương, cần nhất quán chuyển tải các giá trị văn hóa đó trong từng lời nói, hành động của chính mình để đội ngũ học tập, noi theo.

Nếu khủng hoảng Co-vid 19 là liều thuốc thử thì doanh nghiệp nào có đầu tư ắt sẽ được hưởng thành quả.

Ông Phạm Duy Hiếu - Ủy viên Ủy ban nhân sự ABBank cho rằng “Nếu một doanh nghiệp không để tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì sự tan rã trước các biến cố lớn sẽ vô cùng chóng vánh. Ngược lại, nếu doanh nghiệp xây dựng được nền tảng văn hóa tốt thì khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp ấy lại có cơ hội vươn lên và vượt trên cả đối thủ”. Ông Hiếu ví von, nếu xem khủng hoảng Co-vid 19 là liều thuốc thử thì doanh nghiệp nào có đầu tư ắt sẽ được hưởng thành quả.

Webinar nhằm giúp nhà lãnh đạo hiểu như thế nào cho đúng về văn hóa doanh nghiệp cũng như làm thế nào để xây dựng VHDN như một nền tảng vững chắc và hiện diện trong mỗi quyết định, giao tiếp của mỗi nhân viên.

Trước câu hỏi, doanh nghiệp chuyển đổi mình như thế nào trước khủng hoảng Co-vid 19, bà Dung cho biết: “Trật tự mới đã vẽ nên bức tranh mới và tư duy quản trị buộc phải khác đi. Khi doanh nghiệp đối diện khủng hoảng, việc đầu tiên là cần bình tĩnh nhìn nhận sự thật trong khủng hoảng, tự tin vào chất lượng sản phẩm và tận dụng chính cơ hội này để học hỏi những điều mới”. Vào thời điểm doanh thu của PNJ giảm sâu khi hệ thống hơn 350 cửa hàng phải đóng cửa theo chỉ thị giãn cách toàn xã hội, chính đội ngũ quản lý của PNJ đã chủ động đề nghị giảm lương 50% để tiết kiệm chi phí, nhiều nhân viên tình nguyện đi làm một số ngày trong tháng không nhận lương. Đội ngũ PNJ, từ lãnh đạo đến nhân viên buộc phải “xé bỏ” các kế hoạch hành động đã vạch ra trước đó để linh hoạt, sáng tạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động mới phù hợp với tình hình thực tế cũng như tại thời điểm dịch bệnh qua đi. Bà Dung nhấn mạnh giá trị của “Niềm tin” trong mỗi lớp người PNJ: “Người PNJ chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng chỉ cần mỗi thành viên cùng nhau đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm trong mọi hành động, chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua mọi khủng hoảng”.

Tiếp nối câu chuyện đối mặt với đại dịch Co-vid 19, chủ tịch PNJ tự hào chia sẻ, chính đại dịch vừa rồi, các giá trị văn hóa mạnh mẽ nhất của PNJ đã được phát huy một cách rõ nét, đó chính là Chính trực – Trách nhiệm – Chất lượng – Đổi mới và đặc biệt là giá trị Gắn kết

Qua đại dịch Co-vid 19, các giá trị văn hóa mạnh mẽ nhất của PNJ đã được phát huy một cách rõ nét, đó chính là Chính trực – Trách nhiệm – Chất lượng – Đổi mới và Gắn kết

Văn hóa luôn có sẵn trong mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp không bất biến và phải được review, refresh để phù hợp với từng cột mốc phát triển của doanh nghiệp

Nhận định về câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp được định hình và thay đổi như thế nào trong và sau khủng hoảng, ông Phạm Duy Hiếu cho biết “Một đám đông luôn có sức mạnh, nếu người lãnh đạo không muốn lấy sức mạnh thì sức mạnh sẽ rơi vào tay kẻ khác”. Khủng hoảng Co-vid 19 khiến việc giao tiếp bị giới hạn và gián đoạn, theo đó, người nào giữ sự liên kết theo một phương cách mới, hành vi mới, thì người đó sẽ tồn tại và phát triển. “Là người đứng đầu doanh nghiệp, chúng ta phải hiểu rằng – thế giới thay đổi từng giây từng phút và doanh nghiệp buộc phải chọn sự linh hoạt để thích nghi và tồn tại”, ông Hiếu chia sẻ thêm.

Văn hóa luôn là thứ có sẵn trong mỗi doanh nghiệp

Đồng quan điểm với ông Hiếu, bà Cao Thị Ngọc Dung nhận định “Văn hóa luôn có sẵn trong mỗi doanh nghiệp. Điều quan trọng là ở mỗi giai đoạn, chúng ta phải xác định những giá trị có sẵn liệu đang phù hợp và cần chọn những hệ giá trị ưu tú nhất, điều chỉnh và chuyển hóa chúng cho phù hợp”.

Lãnh đạo PNJ cũng nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp vốn không bất biến và ứng với mỗi giai đoạn phát triển, chúng ta phải làm rõ các giá trị cốt lõi phù hợp nhất với doanh nghiệp, truyền thông như thế nào, thực thi xuyên suốt, nhất quán trong từng lời nói, hành động ra sao để văn hóa ấy thấm nhuần trong từng thành viên của tổ chức. Chia sẻ về câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0, bà Dung hé lộ PNJ đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp để con người được cung cấp kiến thức một cách đẩy đủ nhất và sẵn sàng, tự tin bước vào thời đại số hóa. Với PNJ, cứ 5 năm bà Dung lại mời công ty tư vấn vào tham mưu, đánh giá lại nguồn nhân lực để nắm rõ thị trường nhân sự đang ở đâu, cần làm gì để phát triển mạnh mẽ hơn.

Các diễn giả đều có chung một nhận định - chính Co-vid 19 là cơ hội để doanh nghiệp vạch ra đâu là nét văn hóa cần tập trung, làm nổi bật và phát triển trong mỗi tổ chức

Trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, việc truyền cảm hứng rất quan trọng

Trước câu hỏi làm thế nào để lan tỏa các giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp từ lãnh đạo đến nhân viên, ông Hiếu đưa ra 4 cấp độ. Cấp độ đầu tiên là chúng ta phải “Biết”, nghĩa là làm cho nhân viên biết được ý nghĩa của những giá trị cốt lõi này, để họ khao khát, hướng tới; Thứ hai là “Làm”, nghĩa là phải động viên, khích lệ họ cùng làm với mình; Thứ ba là “Hiện thân”, nghĩa là làm sao để mỗi người nhìn thấy mình trong những giá trị đó và cuối cùng là “tất cả mọi người cùng sống với những giá trị này”. Theo ông Hiếu, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải có sự tập trung hết mình, người lãnh đạo phải là người truyền cảm hứng, phải làm gương và áp dụng các giá trị đó trong từng lời nói, hành động của mình. Khi người lãnh đạo và đội ngũ nhân viên làm vì lý tưởng, đam mê chứ ko phải vì nhiệm vụ, làm với một tinh thần “tự nguyện” sẽ tạo ra sức mạnh đặc biệt cho văn hóa doanh nghiệp.

Trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, việc truyền cảm hứng rất quan trọng

Bà Cao Thị Ngọc Dung cho rằng khi xây dựng Văn hóa doanh nghiệp thì bước truyền cảm hứng đến đội ngũ nhân viên là vô cùng quan trọng. Mỗi doanh nghiệp muốn có được nền tảng văn hóa bền vững thì phải tạo môi trường lành mạnh để con người coi nhau như người thân với niềm tin yêu dành cho nhau. Mà sự tin tưởng phải dựa trên nền tảng chính trực, tin vào người lãnh đạo, tin vào chính mình và tin vào tương lai, phải có những câu chuyện truyền cảm hứng với định hướng là tầm nhìn, sứ mệnh mà doanh nghiệp đã vạch ra. Chủ tịch PNJ đúc kết chính người lãnh đạo phải là người đại diên mạnh mẽ nhất cho những giá trị văn hóa của doanh nghiệp. Đó cũng là cách hữu hiệu để người lãnh đạo truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân viên cùng họ xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa đặc sắc nhất cho doanh nghiệp ./.

Xem lại webinar "Văn hóa doanh nghiệp – Sức mạnh để vượt qua mọi khủng hoảng” tại https://www.youtube.com/watch?v=RUM8lRMAYmw&feature=youtu.be 

Nguồn PNJ