13/09/2019, 10:07 570 lượt xem Tin tức PNJ

Chính thức công bố bộ tài liệu can thiệp và hỗ trợ trẻ em rối loạn phổ tự kỷ tại cộng đồng

Sáng ngày 12/9, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức công bố bộ tài liệu “Can thiệp và hỗ trợ trẻ em rối loạn phổ tự kỷ tại cộng đồng”. Đây là bộ tài liệu về hỗ trợ phục hồi chức năng trẻ tự kỷ và cũng là hạng mục quan trọng đầu tiên của dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” đã được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ khởi xướng, thực hiện trong 5 năm (2018 - 2022) với kinh phí ban đầu 10 tỷ đồng do PNJ tài trợ.

Bộ tài liệu được công bố đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.

Bộ tài liệu là kết quả của công trình nghiên cứu cấp quốc gia với sự tham gia của các nhà chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành đến từ Viện Khoa học Giáo dục, Bệnh viện Nhi trung ương, các bệnh viện có khoa chuyên ngành điều trị đặc biệt cho trẻ em và các Trung tâm can thiệp trên cả nước, trải qua 4 cuộc hội thảo khoa học cấp cao và được Khoa Giáo dục đặc biệt thuộc trường ĐHSP Hà Nội, một trong những cơ sở hàng đầu tại Việt Nam về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, chủ trì biên soạn trong hơn 1 năm. Ấn phẩm này được xây dựng nhằm cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để giúp trẻ cải thiện hành vi.

Bà Phạm Thúy Dung,Giám đốc chi nhánh PNJ miền Bắc, đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo.

Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có trên 200.000 trẻ tự kỷ, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia nhận định, tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn trong cuộc sống hiện đại, (năm 2007, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ đã tăng lên 50 lần so với năm 2000). Trong khi đó, nước ta vẫn còn thiếu những chương trình mang tính qui mô và có tính chuyên môn cao dành cho nhóm đối tượng này. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng, gia đình, nhà trường…đối với các trẻ em tự kỷ vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học, chưa có tài liệu chuẩn mực của quốc gia về trẻ tự kỷ, dẫn đến thực trạng khó khăn trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Bộ tài liệu được xây dựng nhằm cung cấp kiến thức toàn diện về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để giúp trẻ cải thiện hành vi.

Do đó, sự ra đời của bộ tài liệu là tín hiệu tích cực, mang tính bước ngoặt trong công cuộc can thiệp, cải thiện hành vi trẻ tự kỷ. Đây là thành quả bước đầu cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và PNJ với mục tiêu giúp cộng đồng hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, thực trạng gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam, từ đó thấu hiểu, chia sẻ và thúc đẩy hành động tác động hành vi, giúp trẻ hòa nhập, sống, mơ ước và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đồng thời, kết quả đạt được góp phần rất lớn đến sự tác động chính sách, thúc đẩy hình thành cơ chế pháp lý giúp đỡ, bảo vệ trẻ tự kỷ.

Xuyên xuốt dự án, với vai trò truyền thông nâng cao nhận thức, lan tỏa và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, PNJ luôn là gương mặt tiên phong trong nhiều hoạt động thiết thực: phát động chương trình “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương” trên toàn quốc, đồng hành cùng các sự kiện hội thao hòa nhập và đêm trung thu dành cho trẻ tự kỷ,… Các chương trình đã đón nhận sự phối hợp của Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật thuộc Bộ LĐTBXH tại TP HCM, sự tham dự, đồng hành của nhiều đơn vị trong và ngoài nước như: Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP. HCM, Hội LHPN TP.HCM, Hội nữ Doanh nhân TP.HCM – Hawee, CLB Nữ nghệ sỹ TP.HCM, Hiệp hội Christina Noble - Children’s Foundation, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, các cơ quan báo đài trên cả nước…cùng hàng trăm phụ huynh và trẻ tự kỷ.

Trong những bước đi kế tiếp, với sự chủ trì của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, chương trình sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực lực lượng cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ, phổ biến kiến thức cho cha mẹ có con tự kỷ, hỗ trợ các giáo viên và cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận, chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam, giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ. Quá trình thực thi sẽ được kết hợp cùng các hoạt động truyền thông của PNJ để tạo hiệu ứng lan tỏa, không chỉ nâng cao nhận thức, hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, mà còn kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để lợi ích từ chương trình có thể đến với nhiều gia đình, nhiều trẻ tự kỷ hơn nữa.

Nguồn PNJ.